Ðối với các tháp Chăm, kỹ thuật
xây dựng tháp thực chất là sự kết hợp hài hòa, chặt chẽ của công nghệ xây dựng
và điêu khắc. Mà biểu hiện vật chất của nó chính là tỷ lệ kiến trúc và nghệ thuật
kết hợp kiến trúc với các dạng điêu khắc trang trí, đặc biệt là kỹ thuật xây dựng
không mạch vữa. Qua đó nó thể hiện giá trị phi vật thể là nội dung thờ tự, tâm
linh và cao hơn là ý nghĩa triết học của các đền tháp Chăm.
Theo đó, việc nghiên cứu xác định
được đúng kỹ thuật xây dựng tháp Chăm của người Chăm xưa sẽ giúp cho việc trùng
tu được chuẩn xác, đưa ra được những phương tiện và phương pháp để bảo tồn
trùng tu được tối đa các giá trị chân xác của di tích. Phương pháp tu bổ đó vừa
đảm bảo được tính nguyên gốc, chính xác, phù hợp, cụ thể cho mỗi tháp và từng bộ
phận chi tiết của các tháp Chăm. Ðồng thời qua đó có thể mở ra hướng trong
nghiên cứu, tìm ra phương pháp xây mới có nhiều ưu điểm hơn phục vụ cho ngành
xây dựng, thay thế cho lối xây bằng vữa xi măng + cát hoặc vôi + cát như hiện nay cũng như lý giải những ẩn số
xung quanh các vấn đề như kỹ thuật, triết học, tâm linh... của người Chăm xưa.
Ðiều này nhằm góp phần cho công cuộc trùng tu và phát huy các giá trị tại Mỹ
Sơn nói riêng và các tháp có giá trị tại miền Trung nói chung.
Như chúng ta đã biết, trong công
tác trùng tu, đối với các tháp Chăm, yêu cầu bắt buộc của việc trùng tu ngoài
nhiệm vụ hàng đầu là tu sửa khẩn cấp để
bảo tồn kịp thời di tích và giá trị lịch sử của công trình cổ, còn đòi hỏi phải
xây gạch theo kiểu cổ truyền của người Chăm xưa, tức là kỹ thuật thế nào đó để
kết dính các viên gạch lại với nhau. Ngoài yêu cầu của độ bền vững ra, không còn
để lộ khe hở, cũng như không để lộ cho thấy mạch hồ vữa của chất kết dinh (nếu
có). Như thế, ngôi đền tháp sau khi phục chế mới không có sự khác biệt và giữ
được nét đặc thù của tháp Chăm, đồng thời giữ được nét thẩm mỹ của màu sắc và
hoa văn điêu khắc trên mặt tường ngôi tháp. Trên cơ sở đó, nhiều giả thuyết về
kỹ thuật xây cất các ngôi tháp cổ của người Chăm xưa đã được đưa ra. Tuy nhiên
một số luận cứ trong các giả thiết đó vẫn còn chưa rõ ràng và còn nhiều tranh
cãi, mâu thuẫn làm vấn đề chưa ngã ngũ và đi đến tiếng nói chung. Vì vậy, qua
nghiên cứu phân tích các thành phần hóa lý cũng như dấu tích còn lại trên bề mặt
các Tháp cổ, cá nhân tôi và Cha là nhà nghiên cứu văn hóa Chămpa - Hồ Xuân Em
(đã mất) đưa ra một giả thuyết riêng. Giả thuyết có thể còn nhiều vấn đề cần
tranh cãi và kiểm chứng, nhưng tôi cũng xin mạnh dạn đưa ra để cùng trao đổi nhằm
góp phần vào tiếng nói chung trong công việc nghiên cứu và trùng tu các tháp.
Người Chăm xưa xây Tháp bằng gạch
mộc chưa nung, tức là dùng những viên gạch còn sống, trong đó có chứa một ít
cát (khoảng 10% - đây có thể là do nguồn đất sét làm gạch đặc thù hoặc cũng có
thể do người ta pha vào khi làm gạch) nhúng nước rồi xát và ép chặt vào nhau để
kết dính (điều này đã tạo nên một lớp vữa “giả tạo”. Thành ra cách xây này
không vữa mà như là có vữa) rồi nung toàn khối. Trong đó, người Chăm xưa đã
nghĩ tới phương pháp xây tháp theo nguyên tắc tạo ra một tổng thể đồng chất với
bề dày tường lớn để có được lực liên kết bền vững nhất, đồng thời dễ dàng tạo
ra được những tác phẩm điêu khắc có đường nét mỹ thuật cao. Nhưng vì đất sét là
vật liệu lâu khô, lại phải nung qua lửa, đòi hỏi độ ẩm phải còn 20% trước khi
nung nên người Chăm không thể đổ đất sét lỏng như hiện nay ta đổ bêtông mà trước
tiên phải làm nên những viên gạch mộc, phơi qua vài ngày để gạch se lại, sau đó
nhúng nước, xát và ép để viên này dính sát với viên kia, chồng lên và so le mí
với nhau. Khi ngôi tháp xây xong thì toàn bộ ngôi tháp, nền và móng đã trở
thành một tổng thể đất sét đồng chất (ngoại trừ một ít lanh tô hoặc trụ đá phải
dùng trong kỹ thuật xây và có thể được xử dụng để gia cường sau khi xây). Tổng
thể đất sét này được nung chín, tất nhiên sẽ có độ bền vững hơn là xây bằng gạch
đã nung trước với hồ vữa, là 2 chất liệu khác nhau. Và cách xây và nung tháp của
người Chiêm Thành thì bắt buộc phải “xây từ dưới lên trên và nung từ trên xuống
dưới” nhằm tránh cho tháp khỏi bị đổ vì xây bằng gạch mộc.
Phần đỉnh tháp luôn luôn được xây
nhỏ hơn phần đế và thân tháp để trọng tâm khó đổ ra ngoài. Vì vậy người Chăm
xưa phải xây tường tháp rất dày từ 1m đến gần 2m. Cùng với việc xây từng đoạn
xong để trong một ít thời gian cho gạch se cứng lại thì những yếu tố này góp phần
làm giảm tải trọng bản thân của tháp lên các viên gạch. Xây tháp tới đâu thì đổ
đầy đất ở trong lẫn ngoài lên tới đó, ngang với mặt tường đang xây, ém đất thật
chặt để giữ tháp cho vững đồng thời để người thợ có điều kiện làm việc dễ dàng
trong lúc xây và chạm khắc. Ðó cũng chính là một loại, vừa giàn giáo, vừa cốp
pha (Scaffold and framework) trong ngành xây dựng, nhưng ngày nay thì người ta
làm bằng gỗ và sắt. Sau đó thực hiện việc điêu khắc, trang trí trên gạch còn mềm
ướt của Tháp. Xây tới đâu thì chạm khắc, trang trí tới đó. Có một điều, khi xây
tháp phải đổ đất ở trong và ngoài ngôi tháp để giữ tháp cho vững, đồng thời làm phương tiện cho
người thợ xây ngồi làm việc và lên xuống, ví dụ muốn xây một ngôi tháp có chiều
cao 20m thì phải có diện tích mặt bằng để làm việc với đường kính là 30m, một
ngôi tháp có chiều cao 10m thì phải có diện tích mặt bằng với đường kính 15m
(vào khoảng 2/3 chiều cao), do đó nó có nhược điểm là ở những khu có tháp quây
quần nằm gần sát nhau như ở Mỹ Sơn thì những ngôi tháp xây sau thường không được
cao lắm.
Khi tháp xây lên tới đỉnh xong rồi
lúc đó đỉnh tháp vẫn chừa lỗ trống chưa gắn vật trang trí vào. Người Chăm xưa để
như vậy vài ngày cho gạch khô, se lại. Việc để cho gạch se khô lại (độ ẩm còn
khoảng 20%) và việc pha thành phần cát vào trong gạch cũng là một kỹ thuật góp
phần cho công đoạn nung tránh được sự nứt vỡ của vật liệu tại các mối liên kết.
Sau đó bới dần đất ở phần đỉnh Tháp ra, chất cây khô chung quanh đốt cháy lên để
nung phần đỉnh tháp cho chín.
Khi phần đỉnh tháp đã được nung
xong thì người ta bới đất để đốt lửa nung phần tháp tiếp theo ở dưới. Cứ thế,
người ta đốt lửa nung dần từng phần cho đến hết phần chân tháp. Ðến đây, tháp
đã khá vững chắc, người ta bới đất ở trong tháp ra để chất củi đốt lên nung
thêm ở phần trong cho hoàn chỉnh, kết thúc công đoạn nung tháp.
Ðối với đền tháp thì người Chăm
xưa dùng phương pháp xây như trên. Còn đối với thành luỹ kiến trúc nhà ở, giếng
nước và mồ mả thì người Chăm vẫn xây bằng gạch đã nung hoặc đá với vữa vôi +
cát hoặc vôi với mật của đường mía. Trước đây ở Hội An, Thanh Chiêm và quanh
tháp Bằng An có một đoạn thành và nhiều mồ mả của người Chăm xưa xây theo cách
đó. Hiện nay, chỉ còn lại một ít giếng nước như giếng Bá Lễ, giếng Cô Tiên được
xây bằng gạch nung với vữa vôi + đường.
Và cuối cùng, sau khi nghiên cứu
để đưa ra giả thiết đó, tôi đã kiểm chứng bằng giải pháp thực nghiệm và thu được
kết quả khả quan. Quá trình tiến hành thực nghiệm từ mô hình như sau:
Tôi cho tiến hành xây và nung thử
một ngôi tháp nhỏ bằng gạch mộc, có tỷ lệ gần đúng với tỷ lệ của ngôi tháp thật:
cao 0,6m; rộng 0,3m; gạch cỡ :7cm x 4cm x 2cm. Ðịa điểm nung tại nhà Ông Lê Quốc
Tuấn ở khối 5, Phường Thanh Hà, Hội An. Quá trình thực hiện xây và nung mô hình
tháp đã được tôi thực hiện ghi hình lại.
Kỹ thuật xây dựng được tiến hành
theo đúng nguyên mẫu của giả thiết được đặt ra. Chúng tôi đã dùng những viên gạch
mộc pha cát có kích thước như vậy nhúng nước rồi xát và ép để kết dính chúng lại
với nhau. Sau đó thực hiện điêu khắc, trang trí trên mô hình của tháp, đợi vài
ngày cho gạch se khô lại rồi nung toàn bộ ngôi tháp theo đúng phương pháp giả định
đã được đặt ra. Ðó là chúng tôi cho nung phía bên ngoài và phía bên trong ngôi
Tháp.
Kết quả của quá trình thực nghiệm:
- Công việc thực hiện điêu khắc cũng như việc xử lý, tạo hình các chi tiết trên Tháp được tiến hành khá dễ dàng trước khi nung vì được thực hiện trên gạch mộc.
- Tháp sau khi nung nói chung là không khác biệt với Tháp Chăm cổ, rất vững chắc, không nghiêng, không đổ.
- Cả ngôi tháp gần như không xuất hiện mạch vữa, tạo thành một khối gần như đồng nhất, có tính thẩm mỹ cao.
Ðể góp phần gìn giữ, tôn tạo,
nghiên cứu và phát huy các giá trị của khu di tích Mỹ Sơn, việc tìm hiểu kỹ thuật
xây dựng các tháp Chăm cổ là một việc làm cần thiết không những cho hiện tại mà
cũng cho cả tương lai. Do vậy, kính mong các nhà khoa học, nghiên cứu và các
nghành liên quan:
- Tiếp tục khảo sát thực địa, nghiên cứu, phân tích để kiểm chứng lại phương pháp xây tháp đã gợi ý.
- Nếu thấy cần thiết, các nghành chức năng có thể tiến hành xây và nung thử một ngôi tháp lớn trên thực tế.
Nếu với việc xác định đúng phương
pháp, kỹ thuật xây dựng như vậy thì nó sẽ mở ra một phương pháp xây mới phục vụ
cho ngành xây dựng, có nhiều ưu điểm hơn, thay thế cho lối xây bằng vữa xi măng
+ cát hoặc vôi + cát như hiện nay đồng
thời điều đó sẽ là cơ sở rất quan trọng cho công tác trùng tu và là một bước tiến
đặc biệt quan trọng trong quá trình nghiên cứu các tháp Chăm về lịch sử, nghệ
thuật, kiến trúc, kỹ thuật xây dựng suốt hơn một thế kỷ qua.
Trên cơ sở thực hiện công việc
nghiên cứu và thực nghiệm, mô hình về phương pháp và kỹ thuật xây dựng tháp bằng
gạch mộc (gạch chưa nung, có pha cát) được thực hiện bằng cách nhúng nước rồi
xát ép với nhau và thực hiện điêu khắc, trang trí trên gạch còn ướt đó, đợi cho
gạch se khô lại rồi sau đó tháp được nung toàn bộ theo hình thức “Xây từ dưới
lên và nung từ trên xuống” là một đề xuất. Rất có thể đó chỉ là một giả thuyết,
còn nhiều vấn đề cần phải kiểm chứng và cũng vì rằng Chămpa là một phức hệ gồm
nhiều tiểu quốc khác nhau nên từ ngày xưa cũng có thể có những kỹ thuật xây dựng
khác nhau và cũng đã trải qua nhiều lần trùng tu trong quá trình tồn tại. Tuy
nhiên, hy vọng giả thuyết này sẽ góp phần giúp các nhà khoa học và nghiên cứu
có thể mở ra thêm một hướng mới trong công tác nghiên cứu xác định kỹ thuật xây
dựng tháp.
inShare
Viết và chia sẻ bình luận:
Like để cập nhật các bài viết qua facebook. Cảm ơn bạn đã ghé thăm, ủng hộ!
Blogger Comment
Facebook Comment