(ngoctu47@gmail.com)- Dự thảo luật của Bộ Tài nguyên Môi trường kiến nghị không coi ĐTM như một loại
"giấy phép" để cấp phép cho một dự án
Sáng 15/5,
Liên hiệp các Hội Khoa học- Kỹ thuật Việt Nam (LHH Việt Nam) đã tổ chức cuộc hội
thảo "Đóng góp ý kiến cho dự thảo luật Bảo vệ môi trường sửa đổi" nhằm
lấy ý kiến các nhà khoa học để góp ý về dự Luật Bảo vệ Môi trường.
Phát biểu
khai mạc Hội thảo, ĐBQH Nghiêm Vũ Khải - Phó Chủ tịch LHH Việt Nam nhận định,
sau khi Luật năm 1993 được ban hành thì tới 12 năm sau mới phải sửa đổi lần thứ
nhất, 9 năm sau phải sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường lần thứ 2 và tới nay sau 6
năm ban hành thì tiếp tục sửa đổi luật này. Một trong những lý do là tốc độ
phát triển kinh tế xã hội tác động đến vấn đề môi trường cũng như nhận thức về
vấn đề môi trường ngày càng cao hơn.
"LHH Việt
Nam mong muốn các chuyên gia đóng góp cho dự thảo luật để 'vòng đời' của luật
này được kéo dài hơn" - ông Nghiêm Vũ Khải nhận định.
Thứ trưởng Bộ
Tài nguyên- Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, quan điểm của Bộ Tài nguyên - Môi
trường là không đánh đổi môi trường để lấy lợi ích kinh tế, thực hiện sàng lọc,
lựa chọn đầu tư để phát triển, đảm bảo hài hòa các lợi ích, khuyến khích các hoạt
động bảo vệ môi trường.
Dự thảo Luật
Bảo vệ Môi trường sửa đổi lần này sẽ tập hợp các quy định rải rác và phân tán từ
các luật khác để tránh sự chồng chéo, đưa các quy định liên quan đến môi trường
về một đầu mối và sẽ hạn chế sự trùng hợp với các văn bản luật khác. Cụ thể là
quy định về giấy phép môi trường. Đây là sự đột phá của cơ quan soạn thảo nhằm
thay thế giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT, giấy phép xả nước thải vào
nguồn nước, giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi, giấy xác nhận đủ điều
kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liêu, giấy phép xử lý chất thải
nguy hại, sổ đăng ký chủ nguồn thải nguy hại, giấy phép xả thải khí công nghiệp.
Dự luật mới
sẽ quy định để lồng ghép, tích hợp các loại thủ tục hành chính nói trên thông
qua giấy phép môi trường.
Các dự án
không cần phải có giấy phép môi trường bo gồm các dự án, cơ sở không phát sinh
chất thải hoặc chỉ phát thải chất thải thông thường với khối lượng nhỏ, được xử
lý bằng các công trình xử lý tại chỗ hoặc đã được quản lý theo quy định của địa
phương. Các dự án công trình, trụ sở, cơ sở bảo tồn, bảo tàng, di tích lịch sử,
văn hóa đã được xếp hạng sẽ miễn cấp giấy phép, đăng ký môi trường.
Thứ trưởng Bộ
Tài nguyên - Môi trường gọi quy định trong dự thảo luật mới là "trả lại
cho bản đánh giá tác động môi trường (ĐTM) về đúng giá trị của nó",
"trao cho nó sức sống chỉ từ khi duyệt đến khi cấp phép về môi trường"
thay vì như hiện nay là ĐTM có hiệu lực vô thời hạn. ĐTM cũng được xác định là
bản tham vấn về môi trường một khi dự án được xây dựng chứ không coi như là điều
kiện cần để quyết định cấp phép một dự án như hiện nay.
Dự thảo luật
quy định rõ, đối tượng phải thực hiện ĐTM chỉ bao gồm những dự án đầu tư sử dụng
diện tích đất, mặt nước lớn và có ảnh hưởng xấu đến môi trường, cảnh quan thiên
nhiên quan trọng, hệ sinh thái, đa dạng sinh học và những dự án có phát sinh chất
thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Về thẩm quyền
thẩm định ĐTM, Bộ Tài nguyên- Môi trường đề xuất 2 phương án: Giao Bộ quản lý
công trình xây dựng chuyên ngành (Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công
thương, Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế) tổ chức thẩm định báo cáo ĐTM đối với dự án thuộc
thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của mình, trừ đối tượng
thuộc thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM của Bộ TN-MT; hoặc giao UBND cấp tỉnh thẩm
định.
Dự thảo Luật
cũng sẽ chỉ quy định việc phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM làm căn cứ
cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định báo cáo nghiên cứu khả
thi, thiết kế cơ sở của dự án, cấp giấy phép khai thác khoáng sản, cấp giấy
phép môi trường, cấp giấy phép nhận chìm ở biển...
Dự luật này
cũng lần đầu tiên quy định nguyên tắc trong xây dựng các tiêu chuẩn quy chuẩn,
tiêu chuẩn, dựa trên phương pháp luận của quốc tế, cụ thể là Hàn Quốc.
Một điểm mới
nữa của dự thảo luật lần này là nguyên tắc tính thuế, phí bảo vệ môi trường. Thuế
hiện nay chỉ đánh vào sản phẩm nhưng đang được kiến nghị sửa đổi không chỉ đánh
vào sản phẩm mà đánh vào hành vi. Ví dụ các sản phẩm sử dụng một lần thì sẽ bị
đánh thuế cao lên, các sản phẩm thân thiện môi trường được kiến nghị đánh thuế
thấp xuống. Phí cũng tương tự như vậy.
"Về vấn
đề này, lãnh đạo Bộ Tài nguyên - Môi trường và lãnh đạo Bộ Tài chính đã có thảo
luận, đồng ý đưa nguyên tắc về thuế để tới đây sửa thuế bảo vệ môi trường sẽ
căn cứ vào luật bảo vệ môi trường này" - Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.
Ủng hộ phân
loại dự án bắt buộc phải có ĐTM
Phát biểu
góp ý tại Hội thảo, TS. Hoàng Dương Tùng - Ủy viên thường vụ Hội Bảo vệ thiên
nhiên và môi trường, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường cũng đánh
giá cao sáng kiến của đơn vị soạn thảo dự thảo Luật Bảo vệ môi trường xung
quanh các quy định về ĐTM và giấy phép môi trường.
"Chúng
ta chưa bao giờ có khái niệm về giấy phép môi trường, đây có thể coi là tính
cách mạng của dự luật. Lâu nay ĐTM - vốn là một công cụ dự báo lại được coi là
công cụ quản lý chính trong quản lý môi trường. Với dự luật này, ĐTM trở lại
đúng với vai trò phân tích dự báo và Giấy phép môi trường là công cụ chính quản
lý tất cả các nguồn ô nhiễm đều được kiểm soát" - ông Tùng nhận xét.
Xung quanh
quy định mới về ĐTM, vị chuyên gia đề nghị cơ quan soạn thảo nêu chi tiết về một
số loại hình dự án đặc biệt như khai thác khoáng sản, chôn lấp chất thải sinh
hoạt, thủy điện, nhận chìm ở biển, dự án có tác nhân gây biến đổi khí hậu.
Chuyên gia đề
xuất giảm thiểu thủ tục hành chính bằng quy định một giấy phép, một cơ quan cấp
phép đối với mỗi dự án, đồng thời khuyến khích sự giám sát của cộng đồng trong
quá trình vận hành dự án.
Ông Tùng
cũng nêu ra vấn đề phân cấp trong các quản lý bảo vệ môi trường ở các địa
phương cần được ban soạn thảo dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) nghiên cứu
thêm. Thực chất việc xét duyệt ĐTM phụ thuộc vào ý kiến chỉ đạo của cấp tỉnh chứ
không hoàn toàn là ý kiến của các cơ quan ngành dọc Tài nguyên- Môi trường.
Đồng quan điểm,
ông Đặng Huy Đông - Viện trưởng Viện Quy hoạch và Phát triển, nguyên Thứ trưởng
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng ĐTM chỉ là thủ tục ban đầu của dự án, vấn đề
quan trọng nhất là thực thi biện pháp để đảm bảo các tiêu chí, vấn đề được nêu
trong ĐTM.
Vị chuyên
gia cũng đề xuất tăng cường hơn nữa sự tham gia của xã hội trong việc phát hiện
và tố cáo hành vi xả thải ra môi trường. Ví dụ, người dân phát hiện hành vi vi
phạm xả thải ra môi rường, chụp ảnh các bằng chứng và báo cáo đến trang điện tử
của cơ quan quản lý. Khi đó, căn cứ vào hồ sơ của công ty bị phản ánh mà cơ
quan quản lý có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá hoạt động của doanh nghiệp có
đúng với các quy định trong ĐTM hay không. Đây mới là điều mà các cơ quan quản lý hiện nay cần phải
làm nhưng chưa làm được.
Ông Đặng Huy
Đông cũng đề cập đến một khía cạnh khác của dự thảo Luật là sử dụng công nghệ xử
lý chất thải. Dự thảo luật đã hướng tới việc sử dụng công nghệ tiên tiến nước
ngoài để xử lý chất thải tại Việt Nam. Đây cũng là một điều tốt song cần đặc biệt
chú ý là tính khả thi của các công nghệ này với các điều kiện ở Việt Nam. Thực
tế, sử dụng công nghệ cao lại cần các tiêu chuẩn đầu vào khác biệt so với các
điều kiện hiện nay ở Việt Nam và khiến công nghệ đó trở nên vô dụng.
"Cần
bình đẳng trong công nghệ xử lý rác. Ai mang sản phẩm xử lý rác ra môi trường tốt
hơn thì chọn người đó, bất kể đó là công nghệ quốc tế hay của Việt Nam" -
vị chuyên gia nhận định.
Xung quanh
câu chuyện thẩm quyền cấp phép Giấy phép môi trường, GS.TS. Đặng Thị Kim Chi,
Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (Trường Đại học
Bách khoa Hà Nội) đồng tình với ý kiến của
ban soạn thảo gộp toàn bộ 6 loại giấy phép hiện nay vào 1 giấy phép môi trường,
lập hồ sơ môi trường cho các dự án để kiểm soát vấn đề bảo vệ môi trường ở các
dự án đó. Tuy nhiên, bà lưu ý đến thời hạn của giấy phép môi trường, đặc biệt
là với lĩnh vực nhập khẩu phế liệu.
"Qua thực
tiễn, tôi nhiều lần được tham gia việc xác nhận đủ điều kiện môi trường để nhập
khẩu phế liệu và thấy một số bất cập. Điều này phụ thuộc vào thời gian mà giấy
phép nhập khẩu có giá trị. Khi thay đổi giấy phép ấy, nhiều khi thành phần,
tính chất phế liệu thay đổi thì lập tức các điều kiện về bảo vệ môi trường của
chúng cũng thay đổi.
Ví dụ: nếu
nhập nhựa sạch thì không cần dung môi rửa trôi nhưng nhập thay vì nhập nhựa từ
Nhật lại nhập nhựa của Lào, Thái Lan thì phải rửa sạch và lúc đó bắt đầu xuất
hiện chất thải. Do đó, cần phải có thời hạn của giấy phép và phải liên quan đến
thời hạn hoạt động của dự án ấy" - bà Kim Chi cho biết.
Bảo vệ môi
trường ở các làng nghề
Tại hội thảo,
GS.TS. Đặng Thị Kim Chi là một trong những chuyên gia đầu tiên về lĩnh vực BVMT
ở Việt Nam, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (Trường
Đại học Bách khoa Hà Nội) đã nêu một số vấn đề bất cập của dự thảo luật.
Trước hết,
liên quan đến quy định trong báo cáo ĐTM, yêu cầu phải có thiết kế cơ sở các
công trình bảo vệ môi trường, điều này là vô lý. Báo cáo ĐTM được thực hiện trước
khi có quyết định đầu tư thì làm sao có thể có được thiết kế của công trình
trong báo cáo được?
Mục tiêu
xanh của Bộ Tài nguyên - Môi trường ở đâu?
Theo ý kiến
của bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc điều hành của Trung tâm Phát triển Sáng tạo
Xanh (GreenID) đánh giá cao về sáng kiến của dự thảo luật Bảo vệ môi trường
liên quan đến vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề
nghiệp và của cộng đồng dân cư. Các tổ chức phi lợi nhuận có thể đại diện cho cộng
đồng đưa đơn kiện các hành vi vi phạm môi trường. Đây là một biểu hiện rõ ràng
của tinh thần mới, để cộng đồng chung tay tham gia bảo vệ môi trường.
Nghị quyết
55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến
2045-2050. Trong tờ trình của dự thảo luật này lại chưa thể hiện phần Nghị quyết
này.
Bên cạnh đó,
tại Bộ luật cũ có riêng 1 Điều quy định về phát triển năng lượng tái tạo nhưng dự
thảo Luật mới lại bỏ Điều này đi và thay vào đó các nội dung về năng lượng tái
tạo lại được thể hiện ở các Điều quy định về xử lý chất thải, phát triển đô thị,
ưu đãi...
"Tôi
cho rằng, cần giữ lại một điều quy định về phát triển năng lượng tái tạo để thể
hiện chủ trương, đường hướng và đây cũng là bước cụ thể hóa đầu tiên trong việc
thực hiện Nghị quyết mà Bộ Chính trị đưa ra. Tôi đề nghị giữ nguyên Điều của Bộ
luật cũ và bổ sung nội dung khuyến khích nghiên cứu, đầu tư, phát triển, sản xuất,
nhập khẩu, xuất khẩu, ứng dụng thiết bị, công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo
trong các lĩnh vực sản xuất và trong giao thông. Như vậy sẽ phản ánh được xu thế,
cơ hội và tính ứng dụng liên quan đến nội dung này" - bà Khanh nhấn mạnh.
Vị chuyên
gia cũng cho rằng, dù Việt Nam sử dụng công nghệ nhiệt điện của Hàn Quốc, Trung
Quốc, Nhật Bản nhưng các quy chuẩn, tiêu chuẩn cho phép phát thải ở mức cao hơn
nhiều lần. Ví dụ, cùng sử dụng 1 công nghệ nhưng Việt Nam cho phép quy chuẩn mức
phát thải cao hơn Hàn Quốc cho phép gấp 33 lần.
Phát biểu kết
luận Hội thảo, TS. Trần Văn Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN,MT của Quốc hội
nhận định, dự thảo luật này liên quan đến nhiều các quy định trong luật khác. Ở
luật này cũng đề nghị rà soát lại các luật khác về các quy định liên quan đến bảo
vệ môi trường.
Ông đánh giá
cao sự đổi mới, động thái có tính cách mạng với đề xuất mạnh dạn của ban soạn
thảo xung quanh vấn đề giấy phép môi trường, mong muốn cầu thị để bảo vệ môi
trường trong tình hình kinh tế phát triển như hiện nay. Nhưng điều quan trọng
nhất là tính khả thi của dự luật. Chỉ khi đảm bảo tính khả thi thì luật mới
"sống" được, vòng đời của dự luật mới được kéo dài.
Các bằng chứng,
dữ liệu khoa học, số liệu tin cậy, đảm bảo tính khả thi hiệu quả là điều đặc biệt
quan trọng trong các dự án luật. Chỉ khi đảm bảo các điều kiện đó thì luật đó mới
có thể đi vào cuộc sống.
Cúc Phương (Liên hiệp hội)
Viết và chia sẻ bình luận:
Like để cập nhật các bài viết qua facebook. Cảm ơn bạn đã ghé thăm, ủng hộ!
Blogger Comment
Facebook Comment