(TN&MT) - Hệ lụy từ các công trình thủy điện đang dần hiện
hữu. Cái giá phải trả cho việc khai thác quá đà nguồn “vàng trắng” sẽ khó có thể
tính hết được, bởi nó không chỉ diễn ra trong một vài năm mà còn kéo dài dai dẳng,
ảnh hưởng đến nhiều thế hệ.
Hai “công trình sai lầm thế kỷ”
Ngoài công trình “sai lầm thế kỷ” là thủy điện An Khê - Ka Nắk
(Gia Lai), Tây Nguyên còn một dự án thủy điện công suất lớn khác có quy trình vận
hành tương tự - Dự án thủy điện Thượng Kon Tum. Nếu thủy điện này được đưa vào
hoạt động, cũng chặn nước, nắn dòng sông, gây nguy cơ khốn khổ cho hàng triệu
dân vùng hạ du.
Sông Sê San khô hạn khi bị hàng loạt thủy điện chặn dòng
|
Dự án thủy điện Thượng Kon Tum (huyện Kon Plông, tỉnh Kon
Tum) do Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh làm chủ đầu tư với tổng
vốn đầu tư khoảng 5.744 tỷ đồng, công suất 220MW, điện lượng trung bình đạt gần
1,1 tỷ kWh/năm. Theo kế hoạch, công trình này dự kiến hoàn tất trong năm 2014
(khởi công ngày 27/9/2009), nhưng đến nay, vì nhiều lý do nhà máy vẫn chưa phát
điện.
Theo địa lý tự nhiên, sông Đắk SNghé nằm trọn trong cao
nguyên Kon Tum, chảy từ độ cao 1.780 m, băng qua nhiều dãy núi rồi đổ về sông Đắk
Bla. Trên đường đi, dòng sông cung cấp nguồn nước dồi dào cho các huyện Kon
Plông, Kon Rẫy và TP. Kon Tum. Ngoài ra, lượng nước từ sông Đắk SNghé khi hợp
lưu sẽ chiếm hơn 35% lượng nước của sông Đak Bla. Theo thiết kế, chủ đầu tư sẽ
thi công đập ngăn sông Đắk SNghé ở khu vực thượng nguồn (xã Ngọc Tem, huyện Kon
Plông). Đập ngăn sông Đắk SNghé tạo thành một hồ chứa nước khổng lồ, có thể trữ
đến 150 triệu m3 nước, diện tích mặt hồ trải rộng khoảng 7 km2.
Tương tự An Khê - Ka Nak, thủy điện Thượng Kon Tum cũng được
thiết kế theo kiểu không trả nước về cho hạ du mà chuyển dòng về lưu vực sông
Trà Khúc (tỉnh Quảng Ngãi). Để thực hiện việc này, người ta đang khoét núi xây
một đường hầm dài khoảng 17 km để dẫn nước đến các tổ máy phát điện. Việc tận dụng
độ cao này được cho là làm tăng hiệu quả công suất máy, làm lợi thêm cho nhà
máy 150 triệu kWh, doanh thu tăng thêm mỗi năm ước chừng hơn 100 tỷ đồng.
Về vấn đề này, ngay từ đầu, ông Nguyễn Thanh Cao, Chủ tịch
Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật tỉnh Kon Tum đã tỏ ra lo lắng, việc chuyển nước
từ sông Đắk SNghé sang sông Trà Khúc sẽ tác động tiêu cực đến tính đa dạng sinh
học và sinh kế vùng hạ du. Bởi, khoảng 20 km dòng sông tính từ đập thủy điện đến
đoạn hợp lưu với sông Đắk Bla chỉ có các con suối nhỏ nên thường cạn kiệt vào
mùa khô. Không đủ nước nguy cơ hạ nguồn Đắk SNghé, Đắk Bla trở thành “sông chết”.
Hậu họa…
Khi dòng Đắk Bla “sổ mũi”, hạ nguồn sẽ phải “hắt hơi” bởi
đây là 1 trong 3 chi lưu lớn của sông Sê San huyền thoại. Mà sông Sê San giờ
này, cũng đâu còn “bình yên” khi mà con người đã biến nó thành “dòng sông năng
lượng” với chi chít các thủy điện bậc thang đang hàng ngày vận hành như: Ia Ly,
Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4 và Sê San 4A.
Riêng Thủy điện Sê San 4A (xã Ia O, huyện Ia Grai, Gia Lai,
khởi công vào đầu năm 2008, hoàn thành vào cuối năm 2011) với công suất 63MW lại
được thiết kế ngay tại hồ điều hòa nước sông Sê San, nằm phía hạ lưu Thủy điện
Sê San 4. Khi Thủy điện này đi vào hoạt động, hồ điều hòa này đã mất tác dụng
điều chỉnh dòng chảy hạ lưu sông Sê San ở phía nước ta và cả nước bạn
Campuchia.
Theo ông Đinh Văn Nhẫn, Giám đốc Công ty Thủy điện Sê San 4,
khi Thủy điện Sê San 4A tích nước, hạ lưu sông Sê San cạn khô. “Khi xây dựng Thủy
điện Sê San 4, Ủy hội sông Mê Kông đã yêu cầu Việt Nam phải xây dựng hồ điều
hòa với dung tích 25 triệu m³ nước để đảm bảo điều tiết khu vực hạ du. Không hiểu
sao tỉnh Gia Lai lại cho xây dựng Thủy điện Sê San 4A ngay tại hồ điều hòa?” -
ông Giám đốc thắc mắc.
Môi trường sinh thái quanh lưu vực sông Sê San bị hủy hoại nặng nề |
Đến đây, ta thử làm phép so sánh, với công suất chỉ 173 MW
nhưng Thủy điện An Khê - Ka Nắk đã gây hậu quả nghiêm trọng cho vùng hạ du sông
Bak, thử tưởng tượng Thủy điện Thượng Kon Tum với công suất 220MW sẽ tác động lớn
đến nhường nào cho hệ sinh thái, chất lượng nước, dòng chảy và sinh kế của hàng
vạn, thậm chí hàng triệu người dân sống ven bờ sông?
Tuy vậy, hệ lụy của việc này vẫn chưa dừng lại ở đây, bởi
phía cực Nam của Tổ quốc ta nằm ở cuối dòng Mê Kông, mà nước từ các dòng sông
trên cũng đổ vào khu vực này.
Cụ thể, từ Bắc và Trung Tây Nguyên, sông Sê San chảy sang lãnh
thổ nước bạn Campuchia rồi nhập vào sông Sê-rê-pôk (bắt nguồn từ tỉnh Đắk Lắk -
nơi cũng đang khô hạn do thủy điện gây ra) ở gần tỉnh Stung Treng. Ở phía trên
Phnôm Pênh, nó hợp lưu với Biển Hồ (Tonlé Sap). Bắt đầu từ Phnôm Pênh, nó chia
thành 2 nhánh: bên phải là sông Ba Thắc (sang Việt Nam gọi là Hậu Giang hay
sông Hậu) và bên trái là Mê Kông (sang Việt Nam gọi làTiền Giang hay sông Tiền),
cả hai đều chảy vào khu vực đồng bằng châu thổ rộng lớn ở Nam Bộ Việt Nam, dài
chừng 220 - 250 km mỗi sông. Tại Việt Nam, sông Mê Kông còn có tên gọi là sông
Lớn, sông Cái. Tập hợp của cả 9 nhánh sông lớn tại Việt Nam được gọi chung là
sông Cửu Long.
Tới đây, ta có thể hiểu rõ, việc chặn nước nắn dòng sông như
ta đang làm kiểu gì cũng mang đến hậu quả khôn lường. Việt Nam được mệnh danh
là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long -
nơi phụ thuộc rất lớn vào nguồn nước từ các dòng sông trên đóng góp tới một nửa
sản lượng. Hiện tại, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang ngày càng trở nên trầm
trọng khi sông Mê Kông không cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho nhu cầu sản
xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân. Khoảng 18 triệu dân sống ở các tỉnh
Đồng bằng sông Cửu Long đang phải trải qua đợt hạn hán và xâm nhập mặn lịch sử,
khiến nước mặn lấn sâu vào đất liền từ 70 - 90 km, sâu hơn trung bình nhiều năm
từ 15 - 20 km, làm hàng trăm ngàn ha lúa, cây trái, ao đầm thủy sản bị thiệt hại.
Đương nhiên, nguyên nhân của vấn đề này không phải hoàn toàn
do ta mà do Trung Quốc - nơi mà hơn nửa chiều dài sông Mê Kông chảy qua cũng
đang trữ nước cho hoạt động thủy điện. Người Trung Quốc đang tỏ rõ quyền kiểm
soát và sử dụng thực sự đối với sông Mê Kông (một trong 10 con sông lớn nhất thế
giới) thông qua việc xả hoặc không xả “chiếc van nước khổng lồ” này.
Đó là chưa kể những quốc gia nằm phía trên lưu vực sông Mê
Kông cũng đang xây dựng những thủy điện lớn, mà Việt Nam nằm ở đoạn cuối của
con sông này nên phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Hiện tại, nước ta đã mở hết
tất cả các kênh ngoại giao với mục đích đưa nước về khu vực hạ lưu sông Mê Kông
song phía Bắc Kinh đang tỏ ra khá hời hợt trong vấn đề này. Chưa hết, theo quy
hoạch của Trung Quốc, đến năm 2020, sẽ có 14 dự án thủy điện trên dòng chính
sông Mê Kông.
Hiện tại, ở thượng nguồn sông Mê Kông đoạn qua Trung Quốc đã
mọc lên 6 đập thủy điện nằm san sát nhau. Chúng đều là các đập lớn, công suất lắp
máy lên đến 1.500 MW, đặc biệt Dự án Nọa Trác Độ công suất lên đến 5.850 MW,
đang gây nhiều tác hại cho vùng hạ nguồn. Đối với Việt Nam, việc các dự án này
trữ nước để phát điện khiến vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm nay mất mùa nước nổi,
thiệt hại sinh kế nghiêm trọng.
Người xưa có câu: “thượng nguồn tích thủy, hạ nguồn khan”. Vậy,
trong điều kiện có thể, tại sao ta không tự cứu lấy mình mà phải cầu cạnh người?
Bài & ảnh: Ngọc Linh
Viết và chia sẻ bình luận:
Like để cập nhật các bài viết qua facebook. Cảm ơn bạn đã ghé thăm, ủng hộ!
Blogger Comment
Facebook Comment