Đồng nghiệp, báo giới dành tặng cho ông nhiều lời khen, từ
“cánh chim đầu đàn”, “người làm nên những kỳ tích” tới “người hùng thủy điện”.
Nhưng với AHLĐ, TS Thái Phụng Nê (ảnh bên) - người đã dành trọn nửa thế kỷ gắn
bó cùng biết bao công trình thủy điện lớn nhỏ, những gì đạt được đều là công sức
chung của cả tập thể. Vẫn chưa cho phép mình nghỉ ngơi, dù đã bước sang tuổi
80, ông nói giản dị: “ở thời của chúng tôi, cống hiến hết mình với tinh thần
trách nhiệm cao nhất để dựng xây đất nước mạnh giàu chính là lẽ sống”.
Xin được bắt đầu cuộc trò chuyện bằng một câu hỏi rất cũ: Tại
sao ông lại chọn thủy công - một ngành nghề “lạ hoắc” vào thời điểm cách đây đã
sáu thập kỷ để theo đuổi?
Tốt nghiệp phổ thông đúng vào thời điểm chiến dịch Điện Biên
Phủ thắng lợi, được nhà trường giới thiệu tập kết ra bắc, tôi sung sướng và
vinh dự vô cùng. Bởi trong suy nghĩ của tôi, miền bắc có Trung ương, có Bác Hồ.
Và đó cũng chính là cái nôi mà lý tưởng tuổi trẻ của chúng tôi đang hướng đến.
Hồi ấy, tôi cũng chỉ hiểu mang máng, rằng “chủ nghĩa xã hội” là một khái niệm
gì đó cao xa, đẹp đẽ vô cùng. Được cử ra nước ngoài học là để quay về đem kiến
thức góp phần xây dựng đất nước, theo con đường đẹp đẽ ấy.
Được bày tỏ nguyện vọng học tập trước khi đi, tôi chọn lĩnh
vực “trị thủy”. Ngày ấy tôi rất mê tác phẩm văn học Trị thủy ở sông Hoài. Và
tôi chỉ nghĩ đơn giản, nước ta có hệ thống sông ngòi chằng chịt, nếu để vỡ đê
thì sẽ xảy ra những hậu quả khôn lường.
Sau một năm bổ túc tiếng Nga, tôi được phân về khoa Công
trình Thủy công của trường Đại học Xây dựng Mát-xcơ-va. Tới lúc đó, tôi mới biết
“thủy công” chính là “trị thủy”, là xây dựng hồ - đập để khai thác thủy điện, cắt
lũ, là vừa tích nước - cấp nước vừa bảo đảm giao thông đường thủy... Nhưng cũng
phải thú thật, cảm giác áy náy, băn khoăn cứ theo đuổi tôi suốt những năm học tập
xứ người...
Đó là những cảm giác rất lạ, với một du học sinh đang tràn
trề nhiệt huyết như ông?
Nỗi băn khoăn ấy bắt đầu xuất hiện từ khi tôi biết tin được
đi học nước ngoài. Bạn bè tôi ngày ấy đều đi bộ đội, đều trực tiếp cầm súng, đổ
máu xương cho ngày thống nhất gần lại. Khi đoàn tàu liên vận vượt qua biên giới,
sự áy náy đã lên tới đỉnh điểm. Ý nghĩ duy nhất bám riết tôi lúc đó là “mình đã
xa Tổ quốc thật rồi, xa mảnh đất ngập tràn đạn bom, máu lửa chiến tranh”. Tốt
nghiệp đại học xong là lúc tôi cực kỳ sốt ruột muốn về, muốn bắt tay vào làm
ngay một điều gì đó có ích cho quê hương. Thế nhưng, tôi lại được giao nhiệm vụ
ở lại làm nghiên cứu sinh. Thêm ba năm trời miệt mài nghiên cứu để lấy được tấm
bằng Phó Tiến sĩ, tôi vẫn giữ nguyên cảm giác băn khoăn ấy, khi nghĩ về những
thanh niên đồng trang lứa đang ngày đêm chiến đấu, hy sinh ở nhà để tôi có được
môi trường học tập lý tưởng.
Có phải vì thế mà sau khi về nước, ông đã chọn công trường
xây dựng thủy điện Thác Bà để khởi nghiệp, chứ không phải những nơi an nhàn như
Viện quy hoạch Thủy lợi hay Viện Thiết kế Thủy lợi?
Nhiệm vụ ban đầu mà Bộ trưởng Bộ Thủy lợi giao cho tôi lúc ấy
là “anh phải đi thực tế ba năm, có kinh nghiệm thực tiễn thì mới làm công tác
nghiên cứu được”. Ngày ấy, chúng tôi luôn tuân thủ tuyệt đối mọi sự phân công của
tổ chức, không bao giờ đòi hỏi sự đãi ngộ. Để lại người vợ trẻ mới cưới, chấp
nhận lên nơi “rừng thiêng nước độc” để xây dựng công trình thủy điện đầu tiên ở
miền bắc, tôi nghĩ đơn giản: “đi ba năm rồi về”. Rồi công việc cuốn tôi đi, có
năm không một lần về Hà Nội, có năm phải ăn Tết giữa rừng. Thời hạn ba năm rồi
cũng hết, tôi về gặp Bộ trưởng. “Anh đi thì lấy ai làm, ít nhất Thác Bà phải
xong mới hay nhé”. Vậy là tôi tiếp tục ngược lên công trường. Rồi tổ máy số một
vào vận hành, tôi nhận lệnh: “Hòa Bình đang khoan khảo sát công trình thủy điện
Sông Đà, quy mô lớn lắm nhưng lại đang thiếu người, anh lên đó nhé”. Vậy là sau
bảy năm gắn bó với Thác Bà, tôi có thêm 14 năm ở Hòa Bình, hai năm gắn với
Yaly. Rồi những công trình thủy điện cứ nối nhau, Thác Mơ, Hàm Thuận - Đa Mi...
rồi Sơn La, Lai Châu. Thay vì chỉ ba năm, tôi đi liền một lèo, cho đến tận bây
giờ (cười).
Những công trình nối nhau đã chiếm trọn cả quỹ thời gian
dành cho tổ ấm riêng. Ông có nghĩ những người thân yêu của mình đã phải hy sinh
khá nhiều không?
Tôi từng nghĩ, hạnh phúc là có một mái ấm, dù nó chỉ là 10m2
nhà tạm nằm trong khu tập thể của Ủy ban Sông Hồng. Thời chiến, đi xe khách từ
Thác Bà về Hà Nội cũng mất hơn một ngày nên hiếm khi về thăm nhà. Ngày làm thủy
điện ở Hòa Bình thì tối thứ bảy về, sáng thứ hai đi sớm. Vì thế, tuy lấy vợ sớm
nhưng phải tới năm 1974, tôi mới có cháu trai đầu lòng. Quá quen với hạnh phúc
đơn sơ ấy, năm 1976, được Nhà nước cấp nhà ở khu lắp ghép Trung Tự, tôi nhớ
mình đã nhìn căn hộ 24m2 lúc ấy và băn khoăn: biết lấy cái gì mà lấp đầy nó bây
giờ?
Trong chuyến công tác thăm hai nhà máy thủy điện Sơn La và
Lai Châu vừa rồi, chúng tôi được nghe nhiều đồng nghiệp dành tình cảm quý mến
và trọng thị ông. Trong mắt họ, ông là con người của hành động, không màng danh
lợi và luôn tận tuỵ cống hiến cho sự phát triển của thủy điện nói riêng, của
ngành điện lực Việt Nam nói chung?
* TS Thái Phụng Nê sinh năm 1936 tại Tuy Hoà, Phú Yên. Sau khi tốt nghiệp khoa Công trình Thủy công (Trường đại học Xây dựng Maxcơva - Liên Xô cũ) năm 1961, ông tiếp tục ở lại nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ năm 1964.
* Sau khi về nước, Thủy điện Thác Bà là công trình đầu tiên có sự tham gia của ông. Để rồi từ đó, cuộc đời ông được nối dài với 28 công trình thủy điện cỡ trung và cỡ lớn (công suất lớn hơn 100KW).
* Ông từng đảm trách các vị trí quan trọng: Bộ trưởng Bộ Năng lượng (1992 - 1995), Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Điện lực Việt Nam (1996 - 1998), Thứ trưởng Bộ Công nghiệp (1998- 1999), Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên (1999 -2001), Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ chuyên theo dõi công trình thủy điện Sơn La - Lai Châu, Phó Trưởng ban chỉ đạo Nhà nước Thủy điện Sơn La - Lai Châu (từ 2001 - 2013).
* Sau khi Thủy điện Hòa Bình và Yaly hòa vào lưới điện quốc gia, ông được trao danh hiệu Anh hùng Lao động. Và sau dấu ấn kế tiếp - Thủy điện Sơn La vượt tiến độ ba năm, ông từ chối nhận danh hiệu cao quý này lần thứ hai, với lý do “nên động viên, để dành phần thưởng ấy cho những người trẻ”.
* Năm 2012, ông nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Hai năm sau, ông vinh dự được trao Huân chương Hồ Chí Minh.
Tôi may mắn được học tập và làm việc với những chuyên gia
Liên Xô hàng đầu, những người thầy giỏi nghề, giàu kinh nghiệm. Tôi cũng cực kỳ
may mắn, khi luôn được gặp những vị lãnh đạo biết nhìn nhận, lắng nghe và dám đặt
lòng tin tuyệt đối vào cấp dưới. Nhờ thế, tôi làm được nhiều việc tâm huyết cho
thủy điện, được anh em thương quý. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi là người
đặc biệt. Bất cứ ai, chỉ cần có nghề, có kinh nghiệm tích luỹ, có sự nhạy cảm cần
thiết cộng thêm bản lĩnh dám làm, dám chịu trách nhiệm và luôn đặt nhiệm vụ
chung lên trên hết thì sẽ làm được như tôi mà thôi.
Năm 2015, cũng ghi dấu mốc quan trọng: kết thúc quá trình
xây dựng các công trình thủy điện lớn trên các dòng sông Việt Nam. Sáng mai,
tôi sẽ lại lên với Thủy điện Lai Châu vẫn còn ngổn ngang trong quá trình hoàn
thiện. Dự tính là sau khi chạy tổ máy số một, tôi sẽ cho phép mình được chính
thức nghỉ ngơi. Một đời gắn bó với những tua - bin, rô - to, với ngăn sông, làm
hồ chứa, xây đập..., giờ phải xa tất cả chắc cũng không tránh khỏi cảm giác hẫng
hụt. Nhưng tôi sẽ tìm những niềm vui khác, trong những việc giản đơn mà bao năm
qua tôi chẳng thể làm, trong vai trò một người cha, người ông. Như chăm sóc con
hay chơi với các cháu, như ghi lại những mẩu chuyện đời mình cho chúng đọc hay
dành thời gian tập thể dục chẳng hạn... Với tôi, đó cũng là Hạnh phúc!
Huyền Nga (Thực hiện)
Theo http://www.nhandan.com.vn/
Blogger Comment
Facebook Comment