Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT
quy định việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 25/10/2016.
![]() |
(Ảnh minh họa: Bích Liên) |
Theo đó, thông tư quy định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh
hoat được xác định trên nguyên tắc: đảm bảo ngăn ngừa, giảm thiểu tác động tiêu
cực đến chất lượng nguồn nước của công trình khai thác nước để cấp cho sinh hoạt
và các chức năng khác của nguồn nước; phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất,
địa chất thuỷ văn, chế độ dòng chảy, đặc điểm nguồn nước, quy mô khai thác, sơ
đồ bố trí công trình và các đặc điểm khác liên quan đến việc bảo vệ chất lượng
nguồn nước sinh hoạt; phù hợp với hiện trạng sử dụng đất và các hoạt động phát
triển kinh tế - xã hội của khu vực có công trình khai thác nước để cấp cho sinh
hoạt.
Công trình khai thác nước để cấp nước cho sinh hoạt hoặc cấp nước cho
nhiều mục đích, trong đó có cấp nước cho sinh hoạt phải xác định và công bố
vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, bao gồm: công trình khai thác
nước mặt với quy mô trên 100 m3/ngày đêm và công trình khai thác nước dưới đất
với quy mô trên 10 m3/ngày đêm.
Với khai thác nước mặt, phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh của các công trình
khai thác nước mặt trên sông, suối, kênh, rạch để cấp cho sinh hoạt bao gồm phạm
vi hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông, suối, kênh, rạch mà công trình đó
khai thác và vùng thượng lưu, hạ lưu tính từ vị trí khai thác nước của công
trình.
Trường hợp công trình khai thác nước với quy mô trên 100 m3/ngày đêm đến
dưới 50.000 m3/ngày đêm thì phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh không nhỏ hơn 1.000 m về
phía thượng lưu và 100 m về phía hạ lưu đối với khu vực miền núi; 800 m về phía
thượng lưu và 200 m về phía hạ lưu đối với khu vực đồng bằng, trung du.
Trường hợp công trình khai thác nước với quy mô từ 50.000 m3/ngày đêm
trở lên thì phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh không nhỏ hơn 1.500 m về phía thượng
lưu và 100 m về phía hạ lưu đối với khu vực miền núi; 1.000 m về phía thượng
lưu và 200 m về phía hạ lưu đối với khu vực đồng bằng, trung du.
Các công trình khai thác nước mặt từ hồ chứa để cấp cho sinh hoạt thì
phạm vi bảo hộ vệ sinh tính từ vị trí khai thác nước của công trình và quy định:
không nhỏ hơn 1.500 m đối với trường hợp công trình khai thác nước từ hồ chứa
trên sông, suối và không vượt quá chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước của hồ
chứa; toàn bộ khu vực lòng hồ đối với trường hợp công trình khai thác nước từ hồ
chứa.
Với công trình khai thác nước dưới đất để cấp cho sinh hoạt có quy mô
trên 10m3/ngày đêm đến dưới 3.000 m3/ngày đêm thì phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh
không nhỏ hơn 20 m tính từ miệng giếng. Với công trình có quy mô từ 3.000
m3/ngày đêm trở lên thì phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh không nhỏ hơn 30m tính từ
miệng giếng.
Thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình
sinh sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong phạm vi vùng bảo hộ vệ
sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; tổ chức trực tiếp quản lý, vận hành công trình
khai thác nước; Sở TN&MT và Ủy ban nhân dân các cấp trong việc phối hợp xác
định, công bố công khai vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt và thực
hiện các biện pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt./.
BL
Nguồn: Dangcongsan.vn
Viết và chia sẻ bình luận:
Like để cập nhật các bài viết qua facebook. Cảm ơn bạn đã ghé thăm, ủng hộ!
Blogger Comment
Facebook Comment