qlnsongday.vn- Lời dạy của Bác Hồ: “Nhân dân Việt Nam tự hào khi gọi hai
tiếng thiêng liêng Tổ quốc. Tổ quốc cũng còn được gọi là đất nước. Có đất và có
nước thì sẽ tạo nên Tổ quốc. Nếu có quá nhiều nước thì sẽ gây ra úng lụt có hại
cho mùa màng. Nếu có quá ít nước thì sẽ gây ra hạn hán cũng không tốt. Vì vậy,
nhiệm vụ của chúng ta là làm thế nào để đất và nước điều hòa với nhau, nhân dân
được hưởng ấm no hạnh phúc” .
Bác Hồ với thủy lợi Bắc Hưng Hải
“Bác đến! Bác đến!”. Người nọ truyền người kia, thoáng chốc
cả làn sóng người trên công trường chuyển động, cả biển người bất chấp mưa
phùn, giá rét, bùn đất vây quanh Bác.
Ngày 17/5/2012, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 122 ngày sinh Bác Hồ,
Hội Khoa học thủy lợi TP HCM tổ chức hội thảo khoa học “Bác Hồ với công tác thủy
lợi”.
Nhân dịp này, NNVN xin giới thiệu bài viết của ông Phan
Khánh, kỹ sư cao cấp của ngành thủy lợi đã nghỉ hưu về những điều mắt thấy, tai
nghe về Bác Hồ trên đại công trường thủy nông Bắc Hưng Hải hơn 50 năm về trước.
Ông Phan Khánh nhớ lại những ngày làm thủy nông Bắc Hưng Hải
Sau hơn 1 tháng chuẩn bị công trường, hôm ấy đã hoàn tất để
chuẩn bị đón hơn 3 vạn lao động khởi công khu đầu mối Bắc Hưng Hải, gồm xây cống
Xuân Quan, đập điều tiết Báo Đáp và kênh trong, kênh ngoài, dài tổng cộng trên
5 km.
Dân làng Xuân Quan, Cửu Cao đã phải cắt đi 150 ha lúa mùa vừa
chớm trổ về cho trâu ăn. Gần 150 hộ nhà gạch, lò gốm làng cổ Bát Tràng đã được
rời sang làng mới Giang Cao, cách đó chừng hơn cây số. Mất đi cái cổ kính nhưng
được cái khang trang thuận lợi hơn, vì có quy hoạch hẳn hoi. Hàng chục vạn m2
lán trại cũng đã tươm tất. Dãy lán dành cho bộ máy, công trường kéo dài gần cây
số từ Xuân Quan ngược phía cầu Long Biên, xếp làm ba dãy trên mái để phía đồng.
Hôm ấy ngày nghỉ chuẩn bị khởi công, nhiều người về Hà Nội
hoặc về thăm nhà.
Buổi trưa vắng lặng, chúng tôi lớp tham dự thủy lợi đầu tiên
của chế độ XHCN đang sắp ngủ trưa. Bỗng có tiếng thầm thì, “Bác đến! Bác đến!”
Mọi người có mặt trong các lán, rùng rùng chạy dưới mái đê hướng theo chiếc “mốt
cô vít” màu sữa đang từ từ lăn bánh trên mặt đê cho đến quãng trống, dành cho
hiện trường đào móng cống Xuân Quan thì dừng lại.
Mọi người cùng tự động chen ngồi sát nhau trên mái đê. Từ xe
bước ra một cụ già, quần áo lụa nâu, mũ cát rộng vành, chân dép lốp tiến đến.
Vài tiếng hô: Hồ Chủ tịch muôn năm vừa tự động cất lên thì Bác đã tươi cười giơ
tay ngăn lại. Không báo trước, không có một chút nghi thức cờ hoa, khẩu hiệu,
giới thiệu… Nhưng nghiêm trang và đầm ấm lạ.
“Các cô, các chú và các cháu công trường thân mến”.
Tôi không nhớ nguyên văn từng lời, nhưng những vấn đề để Bác
nói đã thấm vào lòng không thể nào quên.
Trước hết, Bác nhắc nhở chúng tôi phải biết ơn dân 2 làng
Xuân Quan và Cửu Cao, đã hy sinh hàng trăm tấn thóc cơm sắp vào miệng mà phải
hy sinh vì quyền lợi của hơn hai triệu nhân dân Bắc Hưng Hải. Bà con Bát Tràng
rời bỏ cơ đồ tổ tiên cả nghìn năm sang làng mới cũng vì vậy. Bác động viên
chúng tôi phải biết ơn và hết lòng hết sức làm thật tốt để đúng ngày 6/1/1959 mở
được nước sông Hồng vào đồng.
Bác dành nhiều thì giờ phê bình chúng tôi về cách tổ chức
nơi ăn chốn ở. Còn mất vệ sinh nhất là nơi rìa đê giáp mặt ruộng. Bỗng bác hỏi:
“Ở đây đã có nhà tắm cho phụ nữ chưa?”. Toàn công trường ngớ ra, quả là chưa ai
nghĩ tới. Đàn ông thì ra sông Hồng, đàn bà ít người đành chờ đến đêm khiêng nước
vào bếp. Bác dặn dò phải bảo đảm vệ sinh và an toàn cho dãy lán chuyên gia. Cuối
cùng, Bác chỉ tay vào dãy lán công trường Bộ “Bà Hỏa không nương tay cho các
chú đâu…”. Bác nói giờ đang mưa nhưng sẽ đến lúc khô hanh, phải chú ý phòng hỏa
hoạn.
Trời nắng hanh, lúc Bác mới đến có cô cán bộ công trường
dương sẵn dù định che nắng cho Bác. Nhưng người bảo xếp lại để xuống mặt đê rồi
ra chỗ đông để nghe Bác nói chuyện. Lúc này những hàng ngồi gần đã thấy cổ Bác
lấm tấm mồ hôi.
Bác giơ tay tạm biệt: “Bác còn bận đi việc khác”. Khi chiếc
mốt cô vít chuyển bánh, chúng tôi ùa lên mặt đê vừa vẫy tay vừa hô vang: “Hồ Chủ
tịch muôn năm!” cho đến khi chiếc xe khuất dần sau làn bụi.
Không ai bảo ai! Không ai ra lệnh! Không ai chỉ huy! Mọi người
túa đi tự động sửa sai. Quả là khu lán vệ sinh dành cho chuyên gia đã có ai “bậy”
vào đó. Dọc mép ruộng được tổng vệ sinh và cắm biển “cấm đổ rác”, làm nhà tắm
cho phụ nữ. Hôm sau, xây bể phòng hỏa và sắm đủ xô gầu cho từng dãy lán. Thì ra
Bác đã đi khắp nơi trong công trường rồi mới đến nói chuyện.
Nửa tháng sau khi khởi công, giữa mùa đông mưa rét, công trường
lầy lội với hơn ba vạn dân công, bộ đội, sinh viên miệt mài hăng say lao động.
Chúng tôi kỹ thuật hiện trường vừa đi làm ca 3 về đang tính làm một giấc tới trưa,
bỗng có tiếng thì thào “Bác đến! Bác đến!”, không tin nhưng vẫn khoác áo bông
chạy ra, một chiếc com măng ca lấm bùn đỗ trên mặt đê, sát cổng chính công trường.
Bác mặc áo kaki, cổ quấn khăn len, vẫn mũ cát rộng vành cùng
mấy chú bảo vệ đi vào. “Bác! Bác Hồ!". Chúng tôi vừa reo lên vài tiếng thì
mấy chú bảo vệ khoát tay bảo im lặng. Một giọng trầm ấm cất lên: “Bác bận làm
việc! đi ca ba về hả! Ngủ đi mà lấy sức". Rồi bác đi thoăn thoắt về dãy
lán của ông Hà Kế Tấn, chỉ huy trưởng phía đối diện. Chúng tôi lén vào căn lán
giao ban sát vách chỉ huy trưởng, giọng ông Tấn cuống quýt:
- Dạ! Thưa Bác mưa rét, bùn lầy quá ạ! Xin Bác bữa khác hãy
xuống ạ!
- Có dân công bộ đội làm việc không? Bác ôn tồn.
- Dạ, hơn ba vạn ạ!
- Dân công, bộ đội làm việc được! Bác chỉ tới thăm sao lại
không được?
- Dạ, cơ mà phức tạp lắm ạ!
- Chú phức tạp thì có! Giọng Bác đã có vẻ không hài lòng.
Ông Tấn cầm máy điện thoại nội bộ gào lên báo cho đội trưởng
bảo vệ biết là Bác Hồ đang trên đường ra thăm kênh ngoài. Khoác vội cái áo bộ đội
lấm đất, ông lạch bạch chạy tắt cánh đồng đón đầu. Chúng tôi cũng chạy theo.
“Bác đến! Bác đến!”. Người nọ truyền người kia, thoáng chốc
cả làn sóng người trên công trường chuyển động, cả biển người bất chấp mưa
phùn, giá rét, bùn đất vây quanh Bác.
Lẽ ra cống Xuân Quan đã hoàn thành tầng dưới để kịp mở nước
đúng ngày 6 tháng Giêng nhưng gặp sự cố kỹ thuật nên tiến độ chậm lại. Tôi làm
ca 3 phụ trách khâu phối liệu bê tông. Nửa đêm sương mù giăng kín. Chợt nhìn xuống
sàn bê tông tôi nhìn thấy khá đông người không bình thường trong đó có dáng thấp
lùn của chỉ huy trưởng công trường Hà Kế Tấn. Tôi chạy xuống nhưng có người
ngăn lại: "Dừng lại. Bác đang thăm công nhân đổ bê tông ca 3 đấy”.
Có lần tờ báo Bắc Hưng Hải, đặc san của công trường đăng tin
dân công và bộ động gánh đất một lúc 4 sọt, có người gánh 6 sọt, theo tiêu chuẩn
chỉ 2 sọt tổng cộng 35 kg. Bác cho triệu chỉ huy công trường Hà Kế Tấn: “Chú cầm
quân đánh giặc lâu năm mà không biết dưỡng quân! Gắng quá sức dễ ốm, không bền”.
Lập tức ông Tấn hạ lệnh cho cán bộ hiện trường chúng tôi là cấm gánh 6 sọt,
riêng phụ nữ chỉ được gánh 2 sọt, ngày kiêng kị hàng tháng nếu không tìm được
việc nhẹ thì chị em được nghỉ mà vẫn tính công. Còn nhiều chuyện khác không thể
viết hết ở đây.
Bác còn đến thăm công trường một lần nữa khi sắp hoàn thành
nhưng lần nào cũng như lần nấy, Bác đều thoắt đến, thoắt đi không báo trước, giản
dị như người cha đến thăm con cháu lao động không có nghi thức đón tiếp, không
hùng biện thuyết giảng mà chỉ ân cần chỉ vẽ, giải quyết những khó khăn cụ thể.
Công lao trời biển của Bác đối với thủy lợi trùm lên như
bóng mát của cây Tùng, cây Bách cổ thụ. Đến 9/1969 vài ba ngày trước khi mất,
Bác còn gọi ông Phạm Văn Đồng và ông Hà Kế Tấn đến bên giường bệnh nghe báo cáo
và dặn dò không được để vỡ đê.
Thống kê chưa đầy đủ, trong 24 năm ấy, Bác đã:
- Ký 20 văn bản pháp quy về thủy lợi.
- Chủ trì 31 phiên họp Hội đồng Chính phủ bàn chuyên đề hoặc
có bàn về thủy lợi.
- Thăm và nói chuyện 24 lần tại các hội nghị thủy lợi, đê điều
trung ương và địa phương.
- Với bút danh TL, Trần Lực, CB, Bác đã viết 62 bài báo về
thủy lợi đăng trên báo Nhân dân.
- 30 lần xuống tận công trường, làng xã thăm hỏi, động viên
nông dân làm thủy lợi.
Viết và chia sẻ bình luận:
Like để cập nhật các bài viết qua facebook. Cảm ơn bạn đã ghé thăm, ủng hộ!
Blogger Comment
Facebook Comment