
Ông
mất vào một ngày cuối thu năm 1998. Lúc ấy tôi đang đi công tác Tây Nguyên,
không kịp về tiễn đưa ông lần cuối nên tôi cứ băn khoăn mãi. Đến ngày 30 tháng
6 năm 2012 vừa qua, ông vừa tròn 100 tuổi. Ông đã đi xa, thật xa, nhưng trong
lòng tôi và những người làm thuỷ lợi qua nhiều thế hệ vẫn còn giữ mãi hình bóng
vị Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi họ Hà, với niềm kính phục và nhớ tiếc khôn nguôi…
Cố
Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi Hà Kế Tấn sinh ra tại làng cổ Đường Lâm, Thị xã Sơn Tây,
Hà Nội. Sống trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ nước ta, ông được giác ngộ cách
mạng từ rất sớm. Năm hai mươi tư tuổi (1936), ông đã tham gia phong trào Đông
Dương Đại hội tại Hà Nội và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm ông vừa
tròn 25 tuổi. Từ đó, chàng trai trẻ người Xứ Đoài Hà Kế Tấn luôn đi tiên phong
trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của đất nước. Với lòng nhiệt tình cách
mạng và tư chất thông minh, dám nghĩ dám làm, ông luôn được Đảng tín nhiệm, dân
tin yêu. Ông đã từng giữ các chức vụ quan trọng: Trưởng Ban công vận Xứ uỷ Bắc
kỳ, Xứ uỷ viên phụ trách giành chính quyền Nam Định, Hà Nam (1945 ), Chỉ huy
trưởng mặt trận Hà Nam Ninh ( 1947 ), Tư lệnh liên Quân khu 3 ( 5-1951), Tư lệnh
kiêm Chính uỷ Đại đoàn 350 làm nhiệm vụ tiếp quản và bảo vệ Thủ đô, Bộ trưởng Bộ
Thuỷ lợi. Ông cũng đã từng là Uỷ viên Trung ương Đảng khoá III, IV, là Đại biểu
Quốc hội từ khoá II đến khoá VII.v.v. Được Đảng và nhân dân giao nhiều trọng
trách, dù ở cương vị công tác nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ…
Vừa
là tướng tài vừa là “lính chiến”…
Bây
giờ, mỗi khi nhớ về “Huyền thoại Bắc-Hưng-Hải”, nói đến cố Bộ trưởng Hà Kế Tấn, tôi vẫn luôn nghĩ về ông như vậy. Đối với
ngành Thuỷ lợi, Hà Kế Tấn là một trong 5 vị Bộ trưởng có nhiều đóng góp quan trọng,
hết sức quý báu, được lịch sử ghi nhận. Khởi đầu cho công cuộc “ Vắt đất ra nước,
thay trời làm mưa”, làm “ tư lệnh” một ngành hết sức quan trọng là Thuỷ lợi,
cái tên Hà Kế Tấn đã gắn với “con rồng
vàng châu thổ” là công trình đại thuỷ nông Bắc - Hưng - Hải. Còn nhớ, vào sáng
ngày 27 tháng 8 năm 1958, sau khi mọi công việc chuẩn bị kỹ thuật đã hoàn tất,
Thường trực Chính phủ đã họp dưới sự chủ trì của Bác Hồ để bàn kế hoạch khởi
công xây dựng khu đầu mối công trình Bắc-Hưng-Hải. Cuộc họp được bàn xét rất cụ
thể, chi tiết về tổ chức thi công, lao động, vật tư, tài chính…nhưng chưa biết
chọn ai làm chỉ huy trưởng công trường. Lúc đó, Bác nêu ra tiêu chí: Chỉ huy
trưởng công trường phải là người nhiệt tình, thông minh, sâu sát, quyết đoán, đặc
biệt phải có óc tổ chức, động viên, tập hợp được trí tuệ của tập thể… Sau cuộc
họp này, chính Bác là người chọn ông Hà Kế Tấn, hiện đang cầm quân, giữ chức Tư
lệnh trưởng Đại đoàn 350, làm Chỉ huy trưởng công trình đặc biệt đó. Nhận nhiệm
vụ Chỉ huy trưởng công trình đại thuỷ nông Bắc-Hưng-Hải, ông băn khoăn lắm,
nhưng nỗi băn khoăn duy nhất chỉ là về chuyên môn. Ông đã mạnh dạn báo cáo với
Bác Hồ: Thưa Bác, cháu cầm súng, làm chính trị đã quen, nhưng thực sự không hiểu
gì về thuỷ lợi, bỡ ngỡ vô cùng. Nay được giao nhiệm vụ chỉ huy, cháu lo không
hoàn thành nhiệm vụ…Lúc đó, Bác cười hiền hậu, động viên: “ Chú chưa biết gì
thì cứ vừa làm vừa học rồi khắc biết, trước chú chưa học quân sự ngày nào mà
sao vẫn chỉ huy bộ đội đánh giặc được; biết đánh giặc thì sẽ biết làm thuỷ lợi.”
Đáp
lại niềm tin của Bác Hồ, ông hăng hái lên công trường Bắc-Hưng-Hải, dồn hết tâm
huyết, sức lực cho việc chỉ huy, tổ chức xây dựng công trình. Trong bộn bề công
việc, khó khăn chất chồng ở một công trường lớn, có yêu cầu kỹ thuật cao như Bắc-Hưng-Hải,
những ngày đầu làm “ Tư lệnh” công trình, ông lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Trong
hồi ký, cố Bộ trưởng Hà Kế Tấn cũng thừa nhận: “Gần mười năm chinh chiến, trận
mạc, nhiều lúc cũng lo lắng về trách nhiệm. Nhưng trước một sự nghiệp vĩ đại
như xây dựng công trình Bắc-Hưng-Hải này, lại được Bác giao, tôi mất ăn, mất ngủ,
lo lắng không hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chỉ huy trưởng một đại công trường thuỷ
lợi hàng mấy vạn người, nhưng lúc mới bắt đầu tôi có biết đâu là “ta luy”, là
“góc nghỉ”, “góc trượt”của đất, đâu là ứng suất bê tông…”Quả là khó, vô cùng
khó. Nhiều lúc tôi cứ tự hỏi mình: Mình là kỹ sư thuỷ lợi, được ăn học đàng
hoàng, bao năm đèn sách, cày xới với chuyên môn mà công việc đôi khi còn lúng
túng. Thế mà ông Hà Kế Tấn không một ngày ngồi học dưới mái trường thuỷ lợi, lại
có thể chỉ huy cả một đại công trường thuỷ lợi thành công, ghi dấu ấn để đời
cho con cháu mai sau! Thì ra, theo nhiều bậc lão thành cùng làm việc với ông
trên công trường Bắc-Hưng-Hải hồi đó cho biết: Ông là một hình mẫu về sự khiêm
tốn, giản dị, ham học hỏi. Ông tranh thủ
học ngay các kỹ sư giúp việc cho mình, học ngay trên đường ra công trường hay
trong giờ nghỉ giữa buổi giao ban. Nhiều đêm, trên lán công trường đầu mối Xuân
Quan, một mình ông thắp đèn dầu học tới 2 – 3 giờ sáng. Trong những cuộc họp
bàn về giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức thi công, ông rất chịu khó lắng
nghe ý kiến của các cán bộ kỹ thuật, chuyên gia trong và ngoài ngành để tích luỹ
thêm kiến thức chuyên môn cho mình và đưa ra những quyết định đúng, kịp thời
đáp ứng yêu cầu. Vừa là “tướng” vừa là ‘thợ”, Hà Kế Tấn là người “chuyên” làm
việc mới, việc khó. Mỗi khi nhắc đến ông, nguyên Thứ trưởng Bộ Thuỷ lợi Đinh Gia Khánh lại nói tới điều
đó với lòng cảm phục của một cộng sự thân thiết. Còn tôi, dẫu không được làm việc
trực tiếp với ông nhưng mỗi khi trở lại thăm công trình hoặc nghe các đồng chí
lãnh đạo cũ của ngành thuỷ lợi kể về Bắc-Hưng-Hải, tôi lại càng ngưỡng mộ vị Bộ
trưởng có tài về tổ chức, tập hợp lực lượng, luôn “xung trận”, đi tiên
phong trong những công việc mới mẻ, đầy
khó khăn phức tạp. Với cương vị Chỉ huy trưởng công trường đại thuỷ nông Bắc
-Hưng - Hải, Hà Kế Tấn luôn bám sát hiện trường, giải quyết nhanh và chuẩn xác
các vấn đề kỹ thuật phức tạp trong thiết kế và thi công. Với tác phong quân sự
nhưng lại rất mềm dẻo, luôn lắng nghe, hoà đồng với quần chúng, ông luôn được mọi
người tin tưởng, nể trọng. Nhiều người kể lại rằng, cố Bộ trưởng Hà Kế Tấn làm
việc rất nguyên tắc nhưng thường không ra lệnh hoặc lên lớp cán bộ cấp dưới.
Khi gặp việc khó, việc quá phức tạp, ông thường tự làm thử hoặc tập hợp một số
người giỏi, nhiệt huyết làm trước để rút kinh nghiệm cho mọi người làm theo.
Trên công trường Bắc-Hưng-Hải ngày ấy, cố Bộ trưởng Hà Kế Tấn luôn là người
mang phong cách của vị tướng giỏi cầm quân và tác phong của người “ lính chiến “ đêm ngày lăn lộn với thực tế. Bất kể
ngày nắng, hôm mưa, ông thường có mặt ở ngoài hiện trường trực tiếp chỉ đạo thi
công và động viên cán bộ, dân công. Ông rất thương người lao động và có cách
“dưỡng quân” để làm việc rất hiệu quả. Khi biết dân công, bộ đội gánh đất một
lúc 4 sọt, có người gánh 6 sọt một lần ( theo chỉ tiêu chỉ 2 sọt ), ông hạ lệnh
cấm gánh 6 sọt, riêng phụ nữ chỉ được gánh 2 sọt. Quyết định tưởng như nhỏ ấy
nhưng lại có tác dụng lớn, động viên được người lao động làm việc lâu dài, góp
phần hoàn thành công việc vượt tiến độ…
Hôm
đến dự Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh và khánh thành nhà tưởng niệm cố Bộ trưởng
Hà Kế Tấn tại Đường Lâm, Sơn Tây, ngắm bức ảnh ông trong bộ quần áo giản dị, quần
xắn cao quá đầu gối, vác cuốc đi bên Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong Lễ khởi công
cống Xuân Quan, tôi lại càng xúc động. Hơn năm mươi năm đã trôi qua, nhiều người
vẫn còn nhớ đến kỳ tích: Chỉ ba tháng, sau ngày khởi công Bắc-Hưng-Hải ( ngày
1-10-1958 ), nước từ sông Hồng đã được mở vào đồng, kịp phục vụ làm vụ chiêm
năm 1958; sau 7 tháng thi công, cụm công trình đầu mối cống Xuân Quan đã hoàn
thành, với khối lượng công trình khổng lồ: Xây đúc 7.500m3 bê tông, xây lát đá
226.000m 3, đào đắp gần 3 triệu m3 đất… Trong niềm vui chung, thành tích lớn
lao ấy của cán bộ, nhân dân trên công trường Bắc Hưng Hải, có một phần công sức
không nhỏ của vị “tướng” tài Hà Kế Tấn.
...Và
người đặt nền móng cho phương châm chiến lược của ngành Thuỷ lợi
Tôi
còn nhớ, khoảng giữa năm 1959, khi công trình đại thuỷ nông Bắc-Hưng-Hải đã cơ
bản hoàn thành hạng mục đầu mối cống Xuân Quan, ông Hà Kế Tấn lại được giao nhiệm
vụ làm Thứ trưởng Bộ Thuỷ lợi, đặc trách công tác nghiên cứu trị thuỷ và khai
thác Hệ thống sông Hồng. Việc nghiên cứu quy hoạch trị thuỷ và khai thác lợi dụng
tổng hợp Hệ thống sông Hồng là một vấn đề mang ý nghĩa rất lớn về kỹ thuật và
kinh tế, là công trình nghiên cứu khoa học đặc biệt quan trọng của ngành thuỷ lợi
lần đầu tiên được thực hiện ở nước ta. Nhận trọng trách này, ông cũng lo lắm, lại
mất ăn mất ngủ như lúc làm Chỉ huy trưởng công trường Bắc-Hưng-Hải, nhưng ông
quyết tâm thực hiện. Với tư tưởng chỉ đạo là khắc phục dần tình trạng bị động
trong phòng chống thiên tai, khai thác nguồn nước bằng các công trình đơn lẻ…chuyển
sang chủ động trị thuỷ và khai thác thuỷ lợi từng Hệ thống lưu vực sông, nhằm
phục vụ có hiệu quả, bền vững sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế -xã hội,
ông đã tập trung chỉ đạo nghiên cứu, khảo sát, đưa ra phương án tối ưu. Để thực
hiện những công việc mang nặng tính khoa học, công nghệ, ông đặc biệt chú trọng đến việc tìm kiếm nhân
tài, phát triển vững chắc lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật cho trước mắt và
hướng tới chiến lược lâu dài. Có thể nói, trong những năm đầu thành lập ngành
Thuỷ lợi, nguồn nhân lực về khoa học kỹ thuật từ con số không, ông đã tập hợp
cán bộ các loại, từ trung cấp đến đại học trong nước và ngoài nước về, nhanh
chóng xây dựng nên một Văn phòng Uỷ ban có đủ các bộ môn hoạt động, đủ sức phối
hợp với chuyên gia Trung Quốc, Liên Xô trước đây, phục vụ quy hoạch trị thuỷ và
khai thác sông Hồng. Việc làm này đã đạt được những kết quả to lớn, tạo nền
móng cho việc quy hoạch thuỷ lợi - thuỷ điện sau này là: Hoàn thành lập sơ đồ
khai thác bậc thang sông Đà và Hệ thống các sông Lô - Gâm; cùng với Liên Xô
(cũ) hoàn thành Luận chứng kinh tế-kỹ thuật thuỷ điện Hoà Bình .v.v.
Trong
thời gian còn làm Thứ trưởng cũng như khi mới về làm Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi (đầu
năm 1963 ), ông Hà Kế Tấn rất băn khoăn về quan điểm, thực hiện “ 3 chính”
trong công tác thuỷ lợi: “ Dân làm là chính, công trình nhỏ là chính, giữ nước
là chính” trong một bộ phận lãnh đạo ngành. Những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ
XX , cũng từ chủ trương “ 3 chính “ ấy mà các tổ chức quản lý thuỷ nông, quản
lý đê điều, các đội công trình bị giải tán; công tác đầu tư xây dựng, quản lý,
khai thác công trình, phòng chống lụt bão…kém hiệu quả. Thực trạng ấy khiến ông
lo lắng, băn khoăn lắm. Ngày đêm ông trăn trở, mong muốn mở ra một phương châm
chiến lược cho ngành thuỷ lợi. Với cương vị là người đứng đầu ngành, ông cho tổ
chức nhiều cuộc họp, lắng nghe ý kiến nhiều chiều và sang tận Trung Quốc tham
quan, học tập kinh nghiệm, sau đó đề xuất với Trung ương Đảng, Chính phủ của ta
và bạn phương án kết hợp xây dựng công trình lớn, vừa và nhỏ; nhà nước và nhân
dân xây dựng, quản lý… Từ đó, ngành thuỷ lợi thay đổi chuyển từ “ 3 chính”
thành phương châm “ 3 kết hợp “. Có “ 3 kết hợp” làm “kim chỉ nam” cho hoạt động,
từ vụ chiêm xuân 1964-1965, đồng bằng Bắc Bộ được tập trung đầu tư xây dựng với
tốc độ nhanh và mạnh. Nhiều công trình mấu chốt trong hệ thống để phát huy hiệu
quả đầu mối Bắc- Hưng-Hải bị đình chỉ từ năm 1960, được tiếp tục khởi công hàng
loạt, sớm đưa vào khai thác, phục vụ tốt sản xuất và đời sống nhân dân…Vụ lúa
chiêm năm 2009, nhân kỷ niệm 50 năm công trình Bắc-Hưng-Hải, tôi đã về Bình
Giang, Gia Lộc (Hải Dương), Ân Thi, Tiên Lữ (Hưng Yên) - nơi “ rốn nước đồng
chiêm” thuở xa xưa, nay đã trở thành những vùng quê trù phú, có nhiều “cánh đồng
12 tấn, 13 tấn”. Trong lúc hàn huyên, nhớ lại chuyện cũ, nhiều cán bộ lão
thành, cụ già vẫn còn xúc động nhắc đến” ông Tấn thuỷ lợi” khiến tôi cũng nao
lòng…
Có
thể nói, trong lịch sử ngành thuỷ lợi, mười
năm làm Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi ( 1963 – 1973 ) của ông Hà Kế Tấn là thời
kỳ khó khăn, gian khổ nhất, là những năm tháng “ giông bão” về thiên tai, địch
hoạ. Tôi còn nhớ, trong khoảng 10 năm ấy, có 4 trận lũ sông Hồng lớn nhất, nhiều
năm đại hạn nhất, và cũng là thời kỳ giặc Mỹ leo thang ra miền Bắc, ném bom
đánh phá các công trình thuỷ lợi, đê điều dữ dội nhất. Trong những năm làm Bộ
trưởng Bộ Thuỷ lợi và cả những thời gian sau này nữa, ông Hà Kế Tấn luôn là người
đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ, quản lý đê điều và phòng chống lụt bão.
Cùng với phương châm “ 3 kết hợp”, ông cũng là người đề xuất, là tác giả của
phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai ( nhân lực
tại chỗ, vật tư thiết bị tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ ). Coi trọng
công tác đê điều, phòng chống lụt bão luôn là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn
quân, toàn dân, cố Bộ trưởng Hà Kế Tấn đặc biệt nhấn mạnh đến sự tham gia tích
cực của người dân; thực hiện nhà nước và nhân dân cùng làm, sử dụng hiệu quả
nguồn lực của nhà nước; đồng thời huy động mọi nguồn lực của cộng đồng, của các
tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước…Phương châm “ 4 tại chỗ “được quán triệt
sâu rộng tới tận thôn, xã và được vận dụng linh hoạt, đạt hiệu quả cao trong ứng
phó với lũ, bão, thiên tai. Lịch sử đã ghi nhận công lao to lớn của ông trong
việc đưa toàn bộ hệ thống đê Bắc Bộ từ không chịu được mức lũ 12,5m tại Hà Nội
(đê sông Hồng )và 5,3 m tại Phả Lại (đê sông Thái Bình) lên bảo đảm mức chống
lũ tương ứng là 13,1m và 6,3 m…
Trong
những năm gần đây, tôi có dịp đi nhiều vùng quê, đến nhiều công trình thuỷ lợi,
gặp nhiều người trực tiếp tham gia làm công tác thuỷ lợi và cả bà con nhân dân
vùng hưởng lợi…lại càng hiểu hơn, thấm hơn phương châm “3kết hợp” và “4 tại chỗ”-
phương châm chiến lược cho ngành thuỷ lợi mà cố Bộ trưởng họ Hà đã đặt ra từ nửa
thế kỷ trước. Thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ về công tác thuỷ lợi là: “
Làm cho đất với nước điều hoà với nhau để nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng
chủ nghĩa xã hội “, những” phương châm vàng”của cố Bộ trưởng Hà Kế Tấn đề ra đã
được ngành Thuỷ lợi thực hiện nhuần nhuyễn, rộng khắp từ Trung ương đến địa
phương, đem lại hiệu quả thiết thực trong nhiều thập kỷ qua và còn nguyên giá
trị trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thuỷ lợi hôm nay…
Sau
mười năm gắn bó với ngành Thuỷ lợi, do yêu cầu của cách mạng, cố Bộ trưởng Hà Kế
Tấn được chuyển sang làm Bộ trưởng đặc trách sông Đà để chỉ đạo việc xây dựng
Công trình thuỷ điện Hoà Bình, rồi ông lại được giao trọng trách làm Bí thư Đảng
Đoàn Toà án Nhân dân Tối cao.v.v.Dù ở đâu, với cương vị công tác nào, cố Bộ trưởng
Hà Kế Tấn cũng luôn nêu cao tấm gương đạo đức Cách mạng, hết lòng vì nhân dân,
luôn đi đầu trước phong trào của quần chúng; đặc biệt đối với công tác thuỷ lợi,
ông đã ghi dấu ấn đậm nét trong truyền thống vẻ vang của Ngành Thuỷ lợi Việt
Nam. Ghi nhận công lao đóng góp to lớn của cố Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi Hà Kế Tấn,
Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng ông Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng
cao quý khác…
Nhưng
với ông, có một phần thưởng cao quý không gì có thể so sánh là: Trải qua bao
thăng trầm của công cuộc trị thuỷ, chinh phục thiên nhiên, hình ảnh cố Bộ trưởng
Hà Kế Tấn vẫn luôn khắc sâu trong tim những người làm thuỷ lợi Việt Nam với
lòng kính trọng, tự hào. Còn mãi cố Bộ trưởng Hà Kế Tấn - tên ông vang mãi
trong bản hùng ca Thuỷ lợi!
Hải
Dương, vụ lúa chiêm 2012
Hà
Quang www.hoithuyloi.vn
Viết và chia sẻ bình luận:
Like để cập nhật các bài viết qua facebook. Cảm ơn bạn đã ghé thăm, ủng hộ!
Blogger Comment
Facebook Comment