Ý tưởng của các luận văn tốt nghiệp của các sinh viên do thầy Huy hướng dẫn, thông thường được ông gợi ý cho họ tiến hành khảo sát, tổng hợp từ các đợt đi thực tế tại địa phương hoặc một công trình cụ thể nào đó. Thực tiễn đã chứng tỏ tại mỗi vùng, mỗi công trình lại có một chế độ thủy văn khác nhau phụ thuộc vào những điều kiện riêng, nhưng nó cũng tuân theo một quy luật chung phụ thuộc vào môi trường, đìa hình, khí hậu và những điều kiện tự nhiên khác... Điều này đòi hỏi mỗi sinh viên phải có tư duy độc lập và cần thiết phải vận dụng những nguyên lý cơ bản đã học vào thực tiễn sinh động, muôn mầu muôn vẻ của cuộc sống. Vốn là người nhẹ nhàng, có kiến thức sâu rộng và nhiệt tình trong làm việc và giảng dạy, ông vừa là người thầy, vừa là người anh, người bạn của sinh viên. Sự yêu mến và quý trọng của các sinh viên đối với ông đã làm cho ông giảm bớt nỗi cô đơn trong những ngày xa cách Lô-ra và bé Tuyết Mai, hai người thân yêu của ông đang còn ở phương trời xa thẳm.
Câu
chuyện về cuộc đời của GS. Nguyễn Sinh Huy với cách viết đầy tình cảm
của tác giả ĐXH như đưa người đọc cùng sống trong những năm tháng khó
khăn nhưng tuyệt với mà GS. Nguyễn Sinh Huy đã trải qua, người đọc hồi
hộp và chờ đợi diễn biến của câu chuyện sẽ được diễn ra tiếp theo như
thế nào, đó là thành công mà tác giả ĐXH mang lại cho chúng ta...
Đấu tranh không mệt mỏi vì hạnh phúc gia đình
Sau khi bé Tuyết Mai ra đời, Lô-ra
bắt đầu đặt quyết tâm cho việc đoàn tụ gia đình. Chị đã viết đơn thư lên
chính quyền địa phương và gửi về Matxcơva để xin phép được trở về Việt
Nam. Nhưng vào thời đó việc này đâu có dễ, Ucraina và nước ta khi ấy còn
có quá nhiều chênh lệch về điều kiện làm việc, mức sống, về văn hoá và
quan hệ xã hội, do vậy Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô đã không cho
phép. Nhận được tin không vui, Lô-ra vốn là người luôn nhìn mọi việc một
cách lý tưởng đã vô cùng thất vọng.
Hàng ngày, buổi sáng sau khi đưa bé
Tuyết Mai đến nhà trẻ, Lô-ra đến cơ quan, hết giờ làm việc buổi chiều,
chị ghé vào của hàng thực phẩm mua bánh mỳ, sữa và thức ăn, đến nhà trẻ
đón con về nhà và chuẩn bị bữa ăn chiều cho hai mẹ con. Tối, khi con gái
đã ngủ, chị lại ngồi viết thư cho chồng và mỗi tuần đều không quên viết
thư gửi về Bộ Ngoại giao Liên Xô và Sứ quán Việt Nam để xin cho hai mẹ
con được trờ về Việt Nam, hàng trăm lá thư như vậy, không biết đã có bao
nhiêu lá được chuyển đến các nhà ngoại giao của hai nước nhưng nguyện
vọng của chị vẫn chưa được giải quyết.
Ngày 5 tháng 8 năm 1964, giặc Mỹ leo
thang dùng không quân đánh phá miền Bắc, cả nước bước vào cuộc chiến
tranh ngày càng ác liệt. Miền Bắc vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương
lớn của cả nước, mọi hy vọng của hai người hầu như phải tạm quên đi vì
mọi thời gian, sức người, sức của đều phải tập trung cho cuộc chống Mỹ
cứu nước làm sao có thể tính đến nguyện vọng riêng tư. Cuối năm 1966,
một dịp may đã đến, trên các báo và đài phát thanh của Ucraina đồng loạt
đưa tin chào mừng Đoàn đại biểu Việt Nam đi thăm Ucraina, hành trình
của Đoàn có ghé thăm thành phố cảng Ôđetxa, là một trong hai cảng lớn
của Liên Xô khi đó vận chuyển hàng hoá và vũ khí giúp Việt Nam. Vào buổi
chiều, khi Đoàn đi thăm cảng, Lô-ra dắt con đứng chờ tại cổng Ủy ban xô
viết thành phố, nơi đoàn Việt Nam ở và làm việc. Khi đoàn trở về Lô-ra
bế con xin vào gặp nhưng các vệ binh đã kịp thời ngăn chặn vì đây là
những việc chưa từng có vào thời bấy giờ. Sau hơn ba giờ kiên trì đứng
đợi, lúc này đoàn Việt Nam dự xong buổi chiêu đãi của Ủy ban thành phố
và chuẩn bị đi nghỉ, một sĩ quan vệ binh thấy hiện tượng lạ nên đã cho
mời chị vào để làm rõ tình hình. Mẹ con chị vừa vào chỗ ngồi thì khi
nhìn qua cửa sổ thấy có ba, bốn người Việt Nam đang đi dạo ngoài vườn,
Lô-ra liền bế con chạy vụt ra vườn. Lập tức hàng chục vệ binh đuổi theo
và vây quanh chị nhưng chị đã kịp rút ở túi ra và đưa cho một cán bộ của
Việt Nam một bức thư. Nhưng khi đọc lá thư của Lô-ra mọi người đã hiểu
tình cảnh của chị là hơn 4 năm qua chị đã rất nhiều lần làm đơn xin về
Việt Nam nhưng không được chấp nhận, bắt buộc chị phải dùng cách liều
lĩnh này. Sự việc đã nhanh chóng được giải quyết, lá thư được đưa lại
cho đoàn Việt Nam và mẹ con Lô-ra được đưa về nhà. Trưởng đoàn đại biểu
Việt Nam trong chuyến đi thăm Ucraina lần đó là ông Tôn Quang Phiệt, khi
ấy là Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Câu chuyện trên được ông Tôn Quang Phiệt báo cáo lại với thủ tướng Phạm
Văn Đồng và đích thân Thủ tướng có ý kiến với Sứ quán Việt Nam tại Liên
Xô cho phép để hai mẹ con họ sang Việt Nam và coi như một trường hợp
đặc biệt. Thế là vào mùa thu năm 1967, Lô-ra cùng con gái Tuyết Mai được
về Hà Nội.
Năm 1970, ông bà sinh cô con gái thứ
hai Nguyễn Quỳnh An. Có thêm một thành viên mới, gia đình thêm niềm vui
nhưng cũng xuất hiện nhiều khó khăn mới, nhất là cuộc chiến tranh phá
hoại ngày càng leo thang ác liệt. Các trường đại học bắt đầu sơ tán khỏi
Hà Nội, gia đình ông Huy theo Trường đại học Thủy lợi lên tận Mai Siêu,
tỉnh Bắc Giang, ở nhờ một gia đình nông dân địa phương. Thiếu thức ăn
cho các con, nhất là Tuyết Mai quen uống sữa, nay phải thay bằng cơm gạo
nhiều lần cô bé bị đau bụng và ốm yếu. Một nách hai con nhỏ, mỗi lần
nấu ăn phải nhóm bếp củi, khói vào mắt cay sè nhưng Lô-ra vẫn hết lòng
chăm sóc các con và tin tưởng vào chiến thắng cuối cùng của đất nước
Việt Nam, quê hương thứ hai của bà. Sau ngày hiệp định Paris được ký kết
tháng 1 năm 1973, gia đình trở về Hà Nội, cô giáo Lô-ra được điều về
dạy tiếng Nga tại trường đại học Ngoại thương. Với tinh thần trách nhiệm
và nhiệt tình trong giảng dạy, sinh viên rất yêu quý và tôn trọng bà,
do vậy Lô-ra thường theo lớp từ năm đầu tiên đến năm cuối cùng và các
sinh viên của bà đều vượt qua các kỳ thi tiếng Nga một cách dễ dàng. Có
thể do không hợp với khí hậu ở vùng nhiệt đới cộng với khó khăn của thời
kỳ chiến tranh và sinh hoạt đạm bạc, Lô-ra bắt đầu bị viêm phế quản
nặng, nhưng bà vẫn kiên trì đi bộ từ ngõ Văn Chương đến trường, một ngày
cả đi và về hơn tám cây số, kể cả khi trời mưa gió nhưng không bao giờ
bà bỏ một buổi dạy nào. Ở trường cũng như ở nhà bà luôn dịu dàng và tận
tình giúp đỡ các bạn đồng nghiệp cũng như hàng xóm. Có lẽ tình yêu đối
với gia đình, con người và đất nước Việt Nam đã làm cho bà có sức chịu
đựng phi thường và đứng vững trước những thử thách cam go.
Đào Xuân Học
Blogger Comment
Facebook Comment